Tản mạn Doanh nhân - Ngày Doanh nhân Việt Nam

Cất lại những con số, mô hình và biểu đồ ra phía sau đầu. Đây sẽ là một bài viết...
Cất lại những con số, mô hình và biểu đồ ra phía sau đầu. Đây sẽ là một bài viết tản mạn nho nhỏ về công việc “doanh nhân”, nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10.
—
Không biết có phải là vì môi trường, văn hóa, và lịch sử hay không mà đa phần các anh chị doanh nhân mình quen biết, khi được hỏi đến, họ thường trả lời là “Lúc nhỏ anh/chị cũng không nghĩ là sau này mình sẽ thành doanh nhân đâu.”Và tiếp theo sau đó, là những câu chuyện dài, nhiều diễn biến thăng trầm, có khi đong đầy nước mắt, hoặc những trận cười… ra nước mắt.
Người doanh nhân ở Việt Nam nói chung, có thể chia thành 2 nhóm, một là có máu doanh nhân sẵn trong người vì gia đình làm kinh doanh, một nhóm còn lại có khi là từ công chức, hoặc chuyên gia ở một lĩnh vực nào đó và nhìn thấy nhiều bất công hay khuất tất trong ngành của mình mà ra làm doanh nhân với mong ước giúp cho đời đẹp hơn, cái nhóm thứ hai thường hay bị sốc và ăn hành nhiều, vì chưa có được gần gũi và tôi luyện trong môi trường “làm ăn” như nhóm đầu. Thường là họ phải trải qua nhiều giai đoạn xé kén, lột da, chuyển mình để phù hợp với môi trường kinh doanh. Có lúc đau đớn, có lúc dằn xé nội tâm, nghi ngờ bản thân và thậm chí không nhìn ra chính mình. Nhưng tựu chung khi trưởng thành trên con đường dẫn dắt chính mình và dẫn dắt tổ chức, họ nhận ra đó là những điều tất yếu, và dần chấp nhận những gươm đao trên thương trường.
Làm kinh doanh, người chủ doanh nghiệp, và nhất là những doanh nghiệp non trẻ, thường hay ở trong trạng thái “đang bay”, hơn là “hạ cánh”. Bộ não của họ không nghỉ cho đến khi họ ngủ, có những trường hợp ngủ rồi những não vẫn hoạt động khi doanh nghiệp có vấn đề. Có người vài ngày không ngủ, cũng là chuyện bình thường. Chủ doanh nghiệp lớn có khi bị con cái của họ ghét bỏ, chắc cũng là điều bình thường.
Làm chủ doanh nghiệp, ngày nào cũng học cái mới, vì không có vấn đề này, cũng có vấn đề khác. Không học thêm, học nhanh, làm nhanh, thì không giải quyết được vấn đề, không dẫn dắt đội nhóm tiến về phía trước hiệu quả được.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi công ty mỗi cảnh. Doanh nghiệp sản xuất nặng vốn, doanh nghiệp dịch vụ nặng người. Doanh nghiệp start-up nặng cả hai.
Chủ doanh nghiệp thường hay cô đơn trên chiếc sô-pha. Bạn bè không hiểu, người yêu không hiểu, gia đình không hiểu, sở thuế cũng không hiểu nốt. Nhưng may quá, doanh nhân không cần đi tư vấn tâm lý, vô hiệp hội doanh nhân tự động câu chuyện được cảm thông ngay. Anh chị em nào chưa vô có thể cân nhắc. Hiệp hội doanh nhân thì có nhiều (ở Việt Nam cũng nhiều), đặc biệt vô BNI thì có mạng lưới doanh nghiệp siêu rộng lớn. DN nhiều quy mô, nhiều ngành nghề, tha hồ được cảm thông và hỗ trợ. Mình vô BNI được một tháng, cơ hội kinh doanh có vẻ cũng rộng mở, các anh chị DN lâu năm hỗ trợ mình rất nhiều trong vấn đề tiếp thêm sức mạnh tinh thần khi đứng trước các quyết định và lựa chọn (mô hình và kỹ năng là công cụ, ra quyết định vẫn là mình, mình mới, mình run, nhưng làm gì có chuyện quay đầu), ở môi trường nhiều người đi trước dày dạn kinh nghiệm, chuyên môn và tinh lực, không tiến không được.
BNI Beyond Chapter mình đang tuyển thêm thành viên, anh chị doanh nghiệp nào cứ thấy đường phía trước dài và rộng cần người cảm thông cứ alo mình heng.
Ý kiến bạn đọc